Tin tức
THÔNG CÁO BÁO CHÍ
Ngày đăng: 26/04/2017 - Lượt xem: 1091
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT BAN TỔ CHỨC CUỘC THI SÁNG TÁC BIỂU TRƯNG THƯƠNG HIỆU QUỐC GIA GẠO VIỆT NAM |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 26 tháng 4 năm 2017 |
|||
|
|
THÔNG CÁO BÁO CHÍ
Về Cuộc thi sáng tác biểu trưng (Logo) thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam
Thực hiện Quyết định số 706/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Công văn số 1085/VPCP-KHTH ngày 09/02/2017 của Văn phòng Chính phủ về việc đồng ý giao Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam và phê duyệt biểu trưng quốc gia gạo Việt Nam.
Ngày 23/2/2017, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Quyết định số 463/QĐ-BNN-CB về việc thành lập Ban Tổ chức cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) thương hiệu quốc gia Gạo Việt Nam ( sau đây gọi tắt là Ban Tổ chức). Ban Tổ chức phát động cuộc thi sáng tác biểu trưng thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam vào ngày 21/4/2017, Ban Tổ chức xin thông cáo báo chí về một số nội dung sau:
I. Giới thiệu Đề án Phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2030
1. Mục tiêu chung
Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam nhằm định vị giá trị, hình ảnh sản phẩm gạo Việt Nam, nâng cao sự nhận biết của các nhà sản xuất, nhập khẩu, phân phối và người tiêu dùng trong nước và ngoài nước đối với các sản phẩm gạo của Việt Nam, tạo cơ sở để củng cố và phát triển thị trường, nâng cao giá trị gia tăng, thị phần và sức cạnh tranh của sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.
2. Nội dung
a) Xây dựng và quản lý thương hiệu gạo quốc gia Việt Nam, bao gồm:
- Xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu quốc gia (biểu tượng, ngôn ngữ, hình ảnh nhận diện, công cụ quảng bá...);
- Nghiên cứu, đánh giá khả năng cạnh tranh và định vị thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới, xác định thị trường trọng tâm, chiến lược cho phát triển thương hiệu gạo Việt Nam;
- Xây dựng hệ thống quy trình, tiêu chuẩn đối với sản phẩm gạo mang thương hiệu quốc gia (khảo sát, đánh giá, phân tích chất lượng, xây dựng tiêu chuẩn, quy trình sản xuất – chế biến của các nhóm gạo của Việt Nam);
- Xây dựng hệ thống tiêu chí, quy chế tổ chức quản lý, sử dụng thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam;
- Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam ở trong nước và quốc tế.
- Tổ chức đánh giá, kiểm tra, giám sát chứng nhận thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam hàng năm.
b) Hỗ trợ phát triển thương hiệu gạo đối với một số doanh nghiệp tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, bao gồm:
- Đánh giá toàn diện hiện trạng sản xuất, xây dựng thương hiệu của các địa phương, doanh nghiệp của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long để xây dựng phương án hỗ trợ phát triển thương hiệu quốc gia.
- Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu mang thương hiệu quốc gia.
- Hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển thương hiệu quốc gia (áp dụng quy trình, tiêu chuẩn trong sản xuất, chế biến, đóng gói, xây dựng hệ thống quản trị thương hiệu, phát triển thị trường).
- Hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký bảo hộ thương hiệu doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
c) Tổ chức quảng bá, giới thiệu và xúc tiến phát triển thị trường cho doanh nghiệp và sản phẩm gạo mang thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam:
- Tổ chức hội nghị, hội thảo phổ biến về thương hiệu gạo quốc gia đến người tiêu dùng, doanh nghiệp và người sản xuất;
- Xây dựng và tổ chức các sự kiện quảng bá, giới thiệu về thương hiệu gạo Việt Nam: chương trình truyền hình chuyên đề thương hiệu gạo; lễ hội lúa gạo Việt Nam; tuần lễ thương hiệu gạo Việt Nam...
- Hỗ trợ nâng cao kỹ năng phát triển thương hiệu và hệ thống phân phối cho doanh nghiệp, các quy định về điều ước, hiệp định thương mại tự do;
- Hỗ trợ xúc tiến, quảng bá và mở rộng kênh phân phối tại các thị trường xuất khẩu chiến lược, trọng tâm của gạo mang thương hiệu quốc gia.
- Tổ chức đánh giá, dự báo thị trường thường niên để giúp các doanh nghiệp xây dựng chiến lược và kế hoạch tiếp cận thị trường.
II. Giới thiệu về cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam
1. Mục đích, ý nghĩa của cuộc thi
- Lựa chọn được một biểu trưng có tính khái quát, thể hiện được hình ảnh, truyền thống, danh tiếng và chất lượng của gạo Việt Nam, để sử dụng chính thức làm biểu trưng quốc gia đối với sản phẩm gạo Việt Nam, đồng thời sử dụng để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận đối với gạo mang thương hiệu quốc gia Việt Nam.
- Tuyên truyền, giới thiệu và quảng bá hình ảnh, giá trị và mục tiêu hướng đến của thương hiệu gạo quốc gia Việt Nam; thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, các địa phương và các cơ quan tổ chức liên quan vào quá trình xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam.
2. Yêu cầu về biểu trưng quốc gia gạo Việt Nam
Biểu trưng quốc gia gạo Việt Nam phải đảm bảo được một số yêu cầu cơ bản như sau:
a) Thể hiện được bản chất, ý nghĩa và đặc trưng của thương hiệu gạo Việt Nam.
b) Không vi phạm các yếu tố về văn hóa, thuần phong, mỹ tục của Việt Nam và văn hóa thế giới, không có những dấu hiệu chỉ dẫn không phù hợp về lịch sử, truyền thống, văn hóa và giá trị của sản phẩm gạo Việt Nam.
c) Biểu trưng có tính khái quát cao, đạt được các yêu cầu về thẩm mỹ, khoa học, tính biểu cảm, dễ nhận biết và ấn tượng đối với người tiêu dùng thể hiện qua cách bố cục, mầu sắc, hình ảnh, đường nét …
d) Kết hợp hài hòa giữa hình ảnh (phần hình) và tên gọi (phần chữ); không trùng lặp, sao chép với bất kỳ hình ảnh biểu trưng nào trong và ngoài nước.
3. Đối tượng dự thi
a) Các cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài tự nguyện tham gia cuộc thi và cam kết chấp hành các quy định của Thể lệ cuộc thi.
b) Thành viên Ban Tổ chức và Thành viên Hội đồng giám khảo cuộc thi không được tham gia dự thi.
c) Khuyến khích các doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức tập thể, người dân đang tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh gạo tham gia cuộc thi.
4. Yêu cầu về hồ sơ dự thi
a) Mỗi cá nhân hoặc tập thể có thể sáng tác và gửi dự thi một hoặc nhiều mẫu dự thi.
b) Quy định về hồ sơ dự thi: Hồ sơ dự thi được gửi về cho Ban tổ chức bao gồm các tài liệu sau:
- Mẫu thiết kế biểu trưng dự thi
- 01 bản tóm tắt ý tưởng của biểu trưng
- 01 Phiếu đăng ký dự thi theo mẫu
c) Hình thức gửi hồ sơ
Hồ sơ gửi về Ban tổ chức qua hai cách: nộp trực tiếp cho Ban tổ chức hoặc gửi theo đường bưu điện theo địa chỉ: Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản - Số 10 Nguyễn Công Hoan-Ba Đình-Hà Nội.
Thời gian nộp hồ sơ được tính theo dấu bưu điện của nơi nhận hồ sơ.
5. Thời gian tổ chức cuộc thi
- Thời gian phát động cuộc thi: Từ ngày ra thông báo về cuộc thi.
- Thời gian nhận tác phẩm dự thi: từ ngày 26/4/2017 đến hết ngày 26/6/2017.
- Thời gian chấm điểm các tác phẩm dự thi (dự kiến): tháng 7/2017.
- Thời gian công bố tác phẩm đoạt giải (dự kiến): tháng 9/2017.
6. Cơ cấu giải thưởng
- 01 (một) Giải Nhất: Gồm Giấy chứng nhận giải thưởng, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT và tiền thưởng 100 triệu đồng.
- 04 (bốn) Giải khuyến khích: Gồm Giấy chứng nhận giải thưởng của Ban Tổ chức cuộc thi và tiền thưởng 15 triệu đồng/1giải.
* Thể lệ cuộc thi sáng tác biểu trưng thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam được đăng tải trên website: www.mard.gov.vn và www.chebien.gov.vn
Trên đây là những thông tin cơ bản về Cuộc thi sáng tác biểu trưng thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam, Ban Tổ chức đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí phối hợp trong công tác thông tin tuyên truyền nhằm thu hút nhiều tác giả dự thi và góp phần quảng bá thương hiệu gạo Việt Nam./.
Nơi nhận: - Ban Tuyên giáo Trung ương; - Bộ Thông tin và Truyền thông; - Vụ TH, Văn phòng Chính phủ; - Lãnh đạo Bộ; - Các cơ quan Thông tấn báo chí; - Cổng TTĐT Chính phủ; - Cổng TTĐT Bộ NN&PTNT; - Lưu: VT, CB. |
TRƯỞNG BAN
(đã ký)
Trần Thanh Nam Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT
|
Một số hình ảnh:
- Hội thảo "Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến nông"
- Giải pháp nào nâng cao hiệu quả chỉ dẫn địa lý hàng nông sản?
- Thủ tướng: Sẽ bổ sung ngân sách cho chương trình nông thôn mới
- Làm gì để phát triển được chuỗi giá trị nông sản "độc", lạ?
- Hội thảo “Khởi động Dự án: Xây dựng hệ thống giám sát và phân tích chính sách chăn nuôi tại Việt Nam”