advertiser

Tin tức

Lấy ý kiến tham vấn hồ sơ danh bạ và mô hình quản lý chỉ dẫn địa lý hạt điều Bình Phước

Ngày đăng: 01/12/2016 - Lượt xem: 1103

(KHTĐ) - Ngày 24/8, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Phước phối hợp cùng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Trung tâm phát triển nông thôn (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn),  Cơ quan phát triển Pháp (AFD) đã tổ chức Hội thảo tham vấn hồ sơ đăng lý danh bạ và mô hình quản lý hạt điều Bình Phước. Ông Lưu Đức Thanh - Trưởng phòng chỉ dẫn địa lý Cục sở hữu trí tuệ và ông Nguyễn Minh Quang - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì hội thảo.

   
Toàn cảnh hội thảo

 

Hội thảo nằm trong hoạt động của dự án “Hỗ trợ phát triển chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam” do Trung tâm phát triển nông thôn (Viện chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn) triển khai thực hiện. Mục đích của hội thảo lần này là xin ý kiến về một số nội dung trong hồ sơ đăng bạ chỉ dẫn địa lý Bình Phước cho sản phẩm điều gồm: sản phẩm bảo hộ; tính đặc trưng, đặc thù, danh tiếng sản phẩm đăng lý bảo hộ; vùng địa lý đăng ký bảo hộ. Đây là bước đầu để khởi động các thủ tục xin cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm hạt điều Bình Phước.

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, ông Đào Đức Huấn - Giám đốc Trung tâm phát triển nông thôn cho biết, mặc dù hiện nay diện tích trồng điều của Bình Phước là lớn nhất cả nước (134.092 ha), sản lượng đạt khoảng 190 ngàn tấn, có trên 449 cơ sở (trong đó có 280 doanh nghiệp) chế biến, gia công hạt điều. Nhưng theo khảo sát sơ bộ của đoàn chuyên gia dự án hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý điều Bình Phước thì hạt điều Bình Phước và sản lượng đều có danh tiếng nhưng chủ yếu là điều thô (nguyên liệu). Vẫn chưa có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc trưng gắn liền với nhân điều (thành phẩm). Như vậy với ý nghĩa thương hiệu điều Bình Phước là một nhóm hàng hóa thành phẩm thì vẫn chưa hình thành và định hình thương hiệu đối với thị trường. Ngoài ra, điều Bình Phước còn đối mặt với tình trạng lẫn lộn với điều nhập khẩu vì cơ chế quản lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm chưa được quản lý chặt chẽ. 

Hạt điều Bình Phước có thân căng tròn, mùi vị thơm ngon hơn so với các loại khác trên thế giới

Để giải quyết những bất cập nêu trên, việc xây dựng thương hiệu, bảo vệ và phát triển thương hiệu điều Bình Phước là một trong những nhiệm vụ chiến lược cấp bách cần phải được các bên liên quan xem trọng và thực hiện ngay. Để làm được điều đó, nhóm nghiên cứu dự án của Trung tâm phát triển nông thôn đã tiến hành phân tích độc lập các dấu hiệu để nhận biết hạt điều Bình Phước với các loại hạt điều ở các vùng khác nhau dựa vào các tính chất đặc thù chủng loại. Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra các sản phẩm liên quan đến hạt điều dự kiến bảo hộ gồm: hạt điều xô, hạt điều nhân, các sản phẩm chế biến từ hạt điều. Theo ông Huấn, trung tâm đã tiến hành khảo sát một số nông dân, doanh nghiệp chế biến điều ở một số khu vực thuộc phía Bắc và Tây Bắc của Bình Phước như: huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập, Bù Đốp. Tuy nhiên để xây dựng thành công được chỉ dẫn địa lý hạt điều Bình Phước cần phải thực hiện lấy ý kiến thống nhất của loại sản phẩm và khu vực địa lý bảo hộ.

Theo ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội thảo, việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cho hạt điều Bình Phước là điều cần thiết trong giai đoạn hiện nay, góp phần hoàn thiện khung thể chế, pháp lý, tạo nền tảng vững chắc cho hạt điều Bình Phước vươn xa ra thị trường quốc tế. Các đại biểu đề xuất nhóm nghiên cứu dự án nên mở rộng khu vực địa lý nghiên cứu sang hướng Nam và Tây Nam của Bình Phước như huyện Lộc Ninh, đồng thời chọn tất cả các sản phẩm liên quan đến hạt điều để đăng ký.

Phát biểu tại hội thảo, ông Lưu Đức Thanh - Trưởng phòng chỉ dẫn địa lý Cục sở hữu trí tuệ đề nghị nhóm dự án tiếp thu ý kiến đóng góp thiết thực từ phía lãnh đạo tỉnh, đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, doanh nghiệp và người dân trồng điều của tỉnh Bình Phước. Ông Thanh cũng mong muốn hạt điều Bình Phước sẽ sớm được cấp Chỉ dẫn địa lý để từ đó mở rộng, tiếp cận thị trường cho sản phẩm hạt điều Bình Phước đến với thế giới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 

© 2014 Trung Tâm Phát Triển Nông Thôn

Tầng 4, Số 16 Thụy Khuê - Tây Hồ - Hà Nội - Điện thoại: (84-4) 37624190/91 - Fax: (84-4) 37624193

Email: hanhchinhrudec@gmail.com - Website: http://rudec.gov.vn/