advertiser

Tin tức

Chỉ dẫn địa lý và những cam kết trong khuôn khổ hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU

Ngày đăng: 20/07/2016 - Lượt xem: 2957

Việt Nam có 43 chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc Việt Nam được bảo hộ tuy nhiên mới chỉ có một chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại thị trường EU là Nước mắm Phú Quốc. Tuy nhiên một khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và EU (EVFTA) được ký kết và có hiệu lực, EU sẽ công nhận và bảo hộ 39 sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý (CDĐL) của Việt Nam.

Ngày 29/6 tại Hà Nội và 01/7/2016 tại TP Hồ Chí Minh, Dự án EU-MUTRAP  phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học - Công nghệ tổ chức Hội thảo “Chỉ dẫn địa lý và những cam kết trong khuôn khổ hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu”.  Hội thảo nhằm phổ biến các nội dung quan trọng trong EVFTA về chỉ dẫn địa lý và quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) và biện pháp nâng cao hiệu quả về quản lý và kiểm soát chỉ dẫn địa lý của Việt Nam.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ kiêm Cục trưởng Cục SHTT Trần Việt Thanh cho biết Việt Nam có rất nhiều sản phẩm chất lượng mang đặc trưng vùng miền, và hiện nay đã có 47 sản phẩm đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam (có 4 sản phẩm của nước ngoài). Tuy nhiên, việc nhận thức, cũng như quản lý hiệu quả các tài sản này còn nhiều bất cập: thiếu các hoạt động quảng bá sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, thiếu hệ thống cơ quan, tổ chức kiểm soát về chỉ dẫn địa lý, nhất là về kiểm soát chất lượng sản phẩm gắn với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ. Do đó, mong muốn mang lại những giá trị thương mại cao cho các nhà sản xuất, cũng như đem sản phẩm có chất lượng mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ đến với người tiêu dùng vẫn còn hạn chế.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Jana Herceg- Phó Ban Kinh tế & Thương mại, Phái đoàn EU tại Việt Nam - nhận xét, với nhiều sản phẩm nổi tiếng như: thanh long, cà phê, chè... Việt Nam có khả năng khai thác để hưởng lợi lớn từ việc đăng ký chỉ dẫn địa lý. Nhưng để các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý của Việt Nam có thể vượt qua các rào cản kỹ thuật để vào thị trường EU, Việt Nam cần khuôn khổ chính sách quản lý tốt và các chủ sở hữu CDĐL cần bảo đảm chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực marketing, thương mại. EU ủng hộ sản phẩm của Việt Nam có chỉ dẫn địa lý được đăng ký ở châu Âu xuất khẩu vào thị trường này. Đây cũng là một trong những vấn đề được đưa ra trong tiến trình đàm phán Hiệp định EVFTA.

Theo ông Lưu Đức Thanh, Trưởng phòng CDĐL và nhãn hiệu quốc tế, Cục Sở hữu trí tuệ, Hiệp định EVFTA bảo hộ 169 CDĐL của EU và 39 CDĐL của Việt Nam bao gồm các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm, rượu vang và rượu mạnh nêu trong Phụ lục của Hiệp định. Các cam kết  về bảo hộ CDĐL trong EVFTA ở  mức cao hơn Hiệp định TRIPs trong WTO.   Bên cạnh qui định hệ thống đăng ký và bảo hộ, qui định về sửa đổi danh mục CDĐL, Hiệp định cũng qui định một số ngoại lệ trong bảo hộ tên sản phẩm hay dấu hiệu riêng biệt một số CDĐL của EU.

Vấn đề cốt lõi của việc khai thác hiệu quả chỉ dẫn địa lý là phải kiểm soát tốt đối với tài sản này. Do đó xây dựng hệ thống kiểm soát chỉ dẫn địa lý hiệu quả đang là yêu cầu quan trọng của công tác quản lý chỉ dẫn địa lý hiện nay.

Theo ông Đào Đức Huấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn (Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn), những khó khăn trong việc bảo hộ CDĐL ở Việt Nam hiện nay là không có quy định cụ thể về quản lý chỉ dẫn địa lý ở cấp độ Trung ương (cấp quyền, kiểm soát, quy hoạch vùng bảo hộ…),  thiếu cơ sở pháp lý trong kiểm soát sử dụng CDĐL (chưa rõ nội dung kiểm soát, kiểm soát như thế nào, ai là người kiểm soát). Bên cạnh đó, các chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam tuy có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng chưa trở thành dấu hiệu nhận diện trên thị trường, việc đăng ký và bảo hộ ở nước ngoài lại còn nhiều hạn chế, vướng mắc do thiếu đầu tư kinh phí,

Chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam, bà Bà Delphine MARIE-VIVIEN, chuyên gia Pháp của Dự án CIRAD  cho rằng, cần phải có tầm nhìn quản lý toàn diện ngay từ khâu soạn thảo đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý cho đến khâu quản lý kiểm soát hậu đăng ký.

Tại Hội thảo đại diện các hiệp hội ngành nghề /công ty kinh doanh  sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý  như Hội Nước mắm Phú Quốc, Hiệp cà phê Buôn Ma Thuột, Công ty chè Mộc châu,  Công ty Tân Diệp (Chả mực Hạ Long) đã chia sẻ  kinh nghiệm về quản lý và sử dụng CDDL cũng như kiểm soát chất lượng sản phẩm mang CDĐL.

Các diễn giả và đại biểu tham luận tại Hội thảo đã nêu các khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả về quản lý và kiểm soát chỉ dẫn địa lý (CDĐL) của Việt Nam bao gồm việc xây dựng hệ thống pháp lý về quản lý và kiểm soát CDĐL ở cấp độ quốc gia; Xây dựng mô hình tổ chức quản lý phù hợp với đặc trưng và điều kiện của sản phẩm của địa phương; Xây dựng hệ thống kiểm soát chỉ dẫn địa lý hợp lý,  xây dựng chỉ dẫn địa lý gắn với chuỗi giá trị và tăng cường quảng bá xúc tiến thương mại.

© 2014 Trung Tâm Phát Triển Nông Thôn

Tầng 4, Số 16 Thụy Khuê - Tây Hồ - Hà Nội - Điện thoại: (84-4) 37624190/91 - Fax: (84-4) 37624193

Email: hanhchinhrudec@gmail.com - Website: http://rudec.gov.vn/